Xử Lý Bệnh Trầm Cảm / Top 13 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 5/2023 # Top View | Zqnx.edu.vn

Trầm Cảm Cấp Độ 2: Nhận Biết Và Cách Xử Lý

Với tần suất tăng lên đáng kể, những dấu hiệu nhận biết của bệnh trầm cảm cấp độ 2 trở nên rõ ràng và đáng chú ý hơn hẳn so với bệnh trầm cảm cấp độ 1. Lúc này, chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bệnh trầm cảm cấp độ 2 là gì?

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, bi quan, xuống dốc tinh thần, từ đó dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể mạn tính. Bệnh lý này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: bệnh tật, ly hôn, phá sản, chuyển nhà, bị đuổi việc, chấn thương tâm lý, mất đi người thân, lạm dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích và chất gây nghiện.

Các thống kê cho thấy, phụ nữ dễ bị bệnh trầm cảm hơn đàn ông. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới tự sát vì dạng rối loạn này luôn cao hơn so với tỷ lệ tương ứng ở nữ giới. Nhìn chung, hàng loạt áp lực vô hình từ công việc cũng như cuộc sống có thể tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân nếu họ không có tâm lý lạc quan, vững vàng.

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh trầm cảm bao gồm:

3 triệu chứng chủ yếu: khí sắc trầm; giảm hưng phấn, kém hứng thú, không còn quan tâm đến các sở thích trước đây; mệt mỏi, ít hoạt động, giảm năng lượng

7 triệu chứng thường gặp khác: giảm chú ý, giảm tập trung; giảm sự tự tin, thiếu quyết đoán, khó đưa ra quyết định; thiếu ý tưởng, suy nghĩ bi quan, tiêu cực về tương lai; rối loạn ăn uống (tăng hay giảm cảm giác thèm ăn); rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ); thay đổi cân nặng; nảy sinh ý định/hành vi làm đau bản thân hoặc tự sát

Căn cứ vào mức độ triệu chứng, bệnh trầm cảm của bạn có thể nhẹ, trung bình hay nặng. Việc xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này chủ yếu phụ thuộc vào phán đoán lâm sàng của bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học phụ trách điều trị.

Bệnh trầm cảm được phân chia thành 3 cấp độ khác nhau, đó là cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3. Đối với bệnh trầm cảm cấp độ 1, vì các dấu hiệu nhận biết vẫn còn khá mơ hồ nên độc giả rất phát hiện. Trong khi đó, khi chuyển sang cấp độ 2, các triệu chứng trở nên rõ ràng, cụ thể với tần suất và mức độ tăng lên rõ rệt, đồng thời dễ nhận biết hơn hẳn.

Lúc này, người bệnh thường mất đi lòng tự tin và sự tự trọng vốn có, trở nên thiếu động lực hơn trong cuộc sống và năng suất làm việc suy giảm đáng kể. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để tìm cách kiểm soát cũng như đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

Triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm cấp độ 2

Như bài viết đã đề cập, khi bước vào giai đoạn thứ hai, bệnh trầm cảm đã biểu hiện thành nhiều triệu chứng cụ thể, rõ ràng, có thể phát hiện dễ dàng thông qua thái độ, hành vi, lời nói và thói quen sinh hoạt hàng ngày. 6 dấu hiệu nhận biết tiêu biểu và quan trọng nhất của bệnh trầm cảm cấp độ 2 bao gồm:

1. Khí sắc trầm buồn

Sự thay đổi về trạng thái cảm xúc chính là biểu hiện nổi bật nhất của căn bệnh trầm cảm. Bệnh nhân thường xuyên sống trong tâm trạng u uất, lo âu, chán nản, buồn bã… Họ hay suy nghĩ, cảm nhận tiêu cực về con người và cuộc sống, đồng thời trở nên dễ dàng cáu giận, nổi nóng, thậm chí khóc lóc không rõ nguyên nhân.

Bên cạnh khí sắc trầm buồn, bệnh trầm cảm cấp độ 2 còn khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu sức sống trong nhiều ngày, tối thiểu 2 tuần liên tục.

2. Khó ngủ, mất ngủ

Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc là những dấu hiệu nhận biết hàng đầu của bệnh trầm cảm ở giai đoạn này. Tình trạng căng thẳng, áp lực cùng nhiều suy nghĩ bi quan, tiêu cực sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải, suy kiệt tinh thần, khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí thức trắng suốt đêm. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân còn bị nhức đầu do tình trạng ức chế của các hormon bên trong cơ thể gây ra.

3. Mất hứng thú trong cuộc sống

Những người đang bị trầm cảm cấp độ 2 sẽ thể hiện một số thay đổi rõ rệt trong sở thích cá nhân và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đa số bệnh nhân không thể tìm lại hứng thú đối với những hoạt động mà bản thân đã từng đam mê/yêu thích trước đây.

Nhiều người cố tình che giấu nỗi khổ tâm của mình bằng cách hạn chế tiếp xúc tối đa với thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên bỏ bữa, chán ăn hoặc thèm ăn vô độ, ăn uống không thể kiểm soát. Kết quả là những trường hợp bỏ bê bản thân thái quá sẽ bị sụt cân nghiêm trọng hay tăng cân quá mức, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng mất đi ham muốn tình dục (phái mạnh rất dễ mắc phải chứng liệt dương). Họ luôn khao khát được ở một mình, mong muốn tự cô lập bản thân và không tha thiết tiếp xúc với bất kỳ ai (kể cả gia đình, bạn bè).

4. Mất niềm tin vào tương lai

Ở giai đoạn này, bệnh nhân dường như đã mất đi toàn bộ niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh trầm cảm sau khi trải qua quá nhiều mất mát trong cuộc đời hoặc từng đối mặt với những cú sốc tinh thần to lớn. Họ có xu hướng suy nghĩ bi quan, tiêu cực về mọi sự kiện, vấn đề trong cuộc sống và chỉ mong muốn được xoa dịu, giải tỏa bằng cách uống rượu bia hoặc dùng thuốc an thần.

Những ký ức đau khổ và các tổn thương của một thời quá vãng luôn khiến họ đau đáu, day dứt, buồn bã, bi lụy, đồng thời cảm thấy bản thân vô dụng, dư thừa và không xứng đáng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong khoảng thời gian đầu, bệnh nhân thường trừng phạt chính mình bằng cách tự trách bản thân. Thế nhưng, theo thời gian, khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng, họ có thể cố ý làm đau bản thân hoặc nảy sinh ý định tự sát.

5. Không còn cảm thấy hạnh phúc

Các triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, buồn bã kéo dài nhiều ngày liên tục khiến bệnh nhân bị suy nhược cơ thể và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Lúc này, não bộ đã ngưng sản xuất hormon serotonin (một loại hormon giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, hân hoan và hạnh phúc). Thậm chí, nếu bị trầm cảm cấp độ 2 kéo dài, người bệnh có thể tạm thời trở nên lãnh cảm với mọi thứ xung quanh và quên mất khoảnh khắc hạnh phúc gần nhất mà mình đã từng nếm trải.

6. Giảm sút năng suất lao động

Khi bị trầm cảm cấp độ 2, bệnh nhân thường xuyên u uất, buồn bã, mất ngủ, ăn không ngon… Tình trạng này khiến sức khỏe thể chất và tinh thần xuống dốc trầm trọng. Từ đó, các triệu chứng mất tập trung, đau nhức đầu, suy giảm trí nhớ và một số vấn đề về đường tiêu hóa bắt đầu hình thành.

Vì vậy, theo thời gian, chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Họ khó có thể tập cao độ để hoàn thành tốt công việc của mình như trước đây.

Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm cấp độ 2

Ở giai đoạn này, người bệnh cần kết hợp điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý với chế độ tự chăm sóc tại nhà. Căn cứ vào thể trạng và mức độ bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cặn kẽ, chính xác về những nguyên tắc mà bạn nên tuân thủ trong quá trình điều trị.

Sử dụng thuốc Tây

Đối với bệnh trầm cảm cấp độ 2, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn một số loại thuốc sau:

Thuốc chống trầm cảm SSRI

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: anafranin, amitriptilin (uống 25 – 75mg/ngày)

Lưu ý, các loại thuốc chữa bệnh trầm cảm thường đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn và có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu không được sử dụng đúng cách. Do đó, bạn tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm tần suất – liều lượng khi chưa tham vấn y khoa cặn kẽ. Hơn nữa, nếu bị khô miệng, chóng mặt, mờ mắt, bí tiểu, giãn nở đồng tử… sau khi uống thuốc, bạn hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Trị liệu tâm lý

Liệu pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân gặp gỡ trực tiếp và chia sẻ cởi mở với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý về vấn đề hiện tại của mình, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ khúc mắc phù hợp nhất. Phương pháp trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với bản thân, phục hồi chức năng não bộ và củng cố sức khỏe tổng thể.

Tự chăm sóc bản thân

Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung rau củ, trái cây, thịt cá, ngũ cốc và các loại hạt

Tránh xa đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm giàu gia vị, nhiều dầu mỡ

Kiêng cữ rượu bia, trà đặc, cà phê, thuốc lá

Ăn uống điều độ, ăn chậm nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn và tuyệt đối không bỏ bữa

Nghỉ ngơi đủ 7 – 8 tiếng/đêm và hạn chế thức khuya

Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày

Thư giãn đầu óc, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng, mệt mỏi, lo âu

Chủ động tâm sự, chia sẻ vấn đề của bản thân với gia đình, người thân

Tham gia vào nhóm hỗ trợ các bệnh nhân trầm cảm

Sinh Lý Bệnh Trầm Cảm Và Cơ Chế Điều Trị

PATHOPHYSIOLOGY OF DEPRESSION AND MECHANISMS OF TREATMENT. Brigitta Bondy, MD Bệnh viện tâm thần Đại học Munich, Khoa Hoá Thần kinh, Munich, Đức Dialogues in clinical neuroscience, 2002, Vol 4, N01, p 7 – 20

TÓM TẮT :

Trầm cảm chủ yếu là một rối loạn trầm trọng vê mặt lâm sàng và xã hội. Việc khám phá ra những loại thuốc chống trầm cảm trong những năm 1950 đã lần đầu tiên dẫn đến giả thiết hoá sinh về trầm cảm gợi ý rằng sự giảm sút chức năng hệ monoaminergic trung ương là sang thương chủ yếu dẫn đến rối loạn này. Các nghiên cứu cơ bản trong mọi lãnh vực môn thần kinh học ( bao gồm cả di truyền) và việc khám phá ra những thuốc chống trầm cảm mới đã cách mạng hoá những hiểu biết của chúng ta về các cơ chế chủ yếu của trầm cảm và tác dụng của thuốc. Không còn nghi ngờ gì nữa chính hệ monoaminergic là một trong những nền tảng quan trọng cho các tác động này nhưng cũng cần phải quan tâm đến nhiều sự tương tác với các hệ thống khác trong não và sự điều hoà chức năng hệ thần kinh trung ương. Dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng cho đến nay chúng ta vẫn phải nhận thức rằng còn nhiều vấn đề chưa có câu trả lời cần phải giải quyết trong tương lai.

TỪ QUAN TRỌNG :

trầm cảm – monoamine – serotonin – norepinephrine – điều trị – di truyền – sinh học thần kinh.

CHÚ GIẢI CÁC CHỮ VIẾT TẮT :

BDNF : yếu tố dinh dưỡng thần kinh xuất phát từ não

CRH : hormone phóng thích corticotropin

DA : dopamine

GABA : g – aminobutyric acid

GH : hormone tăng trưởng

HPA : hạ đồi – tuyến yên – thượng thận

5 – HT : 5 – hydroxytryptamine ( serotonin)

MAOI : chất ức chế men monoamine oxidase

NE : norepinephrine

NK : tế bào sát thủ tự nhiên

SSRI : chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin

TCA : thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Trầm cảm là một rối loạn có khả năng đe doạ tính mạng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào từ thời thơ ấu đến tuổi già và gây ra tổn hại to lớn cho xã hội vì rối loạn này có thể gây ra nỗi đau khổ nghiêm trọng, phá hoại cuộc sống bình thường và nếu không điều trị có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng bệnh lý được thể hiện qua 3 triệu chứng chủ yếu là khí sắc trầm, mất hứng thú và giảm năng lượng hay mệt mỏi. Các triệu chứng khác cũng thường xuất hiện là rối loạn tâm thần vận động và giấc ngủ, cảm giác có tội, giảm lòng tự tin, ý tưởng và hành vi tự tử, rối loạn hệ tiêu hoá và hệ thần kinh tự động. Trầm cảm không phải là một rối loạn có tính đồng nhất mà là một hiện tượng phức tạp thể hiện dưới nhiều dạng lâm sàng và có thể có nhiều nguyên nhân. Rối loạn này có khuynh hướng tiến triển mãn tính, tái diễn theo chu kỳ, triệu chứng thể hiện có thể đi từ mức độ nhẹ đến nặng, có kèm hay không triệu chứng loạn thần và có thể tương tác với những rối loạn cơ thể hay tâm thần khác.

PHÂN LOẠI, TẦN SUẤT VÀ DIỄN TIẾN CỦA TRẦM CẢM

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Sổ tay thống kê và chẩn đoán sức khoẻ tâm thần, ấn bản lần thứ 4 (DSM – IV)1 thì đặc điểm cơ bản về diễn tiến lâm sàng của trầm cảm chủ yếu là có một hay nhiều cơn trầm cảm chủ yếu và tiền sử lâm sàng không có cơn hưng cảm, hỗn hợp hay hưng cảm nhẹ. Để chẩn đoán cần có ít nhất 5 trong số 9 triệu chứng được liệt kê trong DSM – IV diển tiến liên tục trong thời gian tối thiểu 2 tuần : (1) khí sắc trầm; (2) mất quan tâm hay thích thú đối với những việc trước kia mình ham thích; (3) thay đổi đáng kể cân nặng hay sự ngon miệng; (4) mất ngủ hay ngủ nhiều; (5) chậm chạp hay kích động tâm thần vận động; (6) mệt mỏi hay mất năng lượng; (7) cảm giác vô giá trị; (8) giảm khả năng suy nghĩ, tập trung hay quyết định và (9) ý tưởng tự tử.

Về mặt lịch sử đã từng có những cuộc tranh luận kéo dài về bản chất và phân loại trầm cảm. Emil Kraepelin thì cho rằng trầm cảm là một bệnh trong khi Sigmund Freud lại xem trầm cảm như là một biểu hiện nội tâm hoá sự giận dữ và mất mát và đây là 2 quan điểm đối nghịch nhau vào đầu thế kỷ 20. Ông Martin Roth và nhóm Newcastle đã có công trong việc phân loại các biểu hiện lâm sàng của trầm cảm ( từ mức độ nhẹ đến nặng kèm triệu chứng loạn thần) theo cách thức tương đối rõ ràng là phân chúng thành 2 nhóm riêng biệt trầm cảm ” nội sinh ” và trầm cảm ” phản ứng “2. Quan niệm này được sử dụng trong các nghiên cứu về khía cạnh sinh học của bệnh tâm thần qua nhiều thập kỹ nhằm xác định các loại trầm cảm có nguyên nhân khác nhau. Thừa hưởng những kết quả của đề án nghiên cứu hợp tác giữa Mỹ và Anh4,5 trong những ấn bản gần đây của DSM – IV và Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật, sửa đổi lần thứ 10 ( ICD – 10) đã tách trầm cảm đơn cực ra khỏi rối loạn lưỡng cực ( rối loạn hưng trầm cảm).

Một khía cạnh rất quan trọng khác của trầm cảm là tỷ lệ phối hợp cao với các rối loạn tâm thần khác. Lo âu, đặc biệt là rối loạn hoảng loạn thường kết hợp với các rối loạn cảm xúc trong khi tầm quan trọng của vấn đề kết hợp với lạm dụng rượu hay chất gây nghiện lại ít được thông báo hơn. Một điều lý thú là khởi phát lo âu thường đi trước trầm cảm trong khi lạm dụng rượu có thể xuất hiện trước hay sau thời điểm khởi phát trầm cảm13,14.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA TRẦM CẢM

Tác động từ những biến cố trong cuộc sống

Anh hưởng di truyền

Anh hưởng của di truyền trên trầm cảm đơn cực chủ yếu thì không rõ bằng trong rối loạn lưỡng cực. Mặc dù những nghiên cứu về trẻ sanh đôi trong cộng đồng và trong bệnh viện cho thấy cũng có tính di truyền đáng kể trong trầm cảm chủ yếu20 thì những thay đổi về nguy cơ do các yếu tố không di truyền dường như rõ rệt trong trầm cảm chủ yếu đơn cực hơn là trong rối loạn lưỡng cực. Theo đó thì những kết quả phân tích của các nghiên cứu liên kết gien cũng ít có sức thuyết phục hơn đối với loại bệnh lý này21 nhưng càng ngày người ta càng nghĩ đến khả năng những yếu tố môi trường và các biến cố trong đời sống cũng có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền22.

Một chiến lược khác trong nghiên cứu phân tích gien là áp dụng những nghiên cứu kết hợp trong đó những gien nghi vấn được khảo sát trong nhóm bệnh nhân nghi ngờ và có so sánh với những người đối chứng khoẻ mạnh. Phương pháp này phụ thuộc chủ yếu vào kiến thức của chúng ta về sinh bệnh lý và những giả thiết về các tiến trình sinh hoá cơ bản và cũng dựa trên sự chọn lọc nhóm chứng phù hợp về mặt chủng tộc23. Những nghiên cứu kết hợp về những gien nghi vấn dường như có nhiều hứa hẹn hơn trong nghiên cứu trầm cảm đơn cực và sự phân tích những gien nghi vấn của hệ serotonergic như là tyrosin hydroxylase, chất vận chuyển serotonin (5 – hydroxytryptamine; 5 – HT) và thụ thể 5 – HT2C đã có những kết quả lý thú21,24,25.

NỀN TẢNG HOÁ SINH CỦA TRẦM CẢM

Những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực khoa học thần kinh ở thế kỷ 20 đã mang đến cho chúng ta những sự hiểu biết lý thú về bản chất các tiến trình tâm thần. Bắt đầu với môn giải phẫu thần kinh và điện sinh lý ngày nay khoa học thần kinh đã là một lãnh vực nhiều chuyên ngành bao gồm nhiều lãnh vực khảo sát sinh học đi từ các nghiên cứu phân tử về tế bào và chức năng gien đến những kỹ thuật chụp ảnh não, vì thế chúng đã mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về bộ máy tế bào và phân tử trong việc điều hoà hành vi28. Trong một thời gian dài và đặc biệt là trong lãnh vực tâm thần học chúng ta hiểu biết rất ít về nền tảng sinh học của rối loạn. Các công trình của Julius Axelrod, Arvid Carlsson và vài tác giả đoạt giải Nobel khác đã đóng góp rất lớn vào sự hiểu biết chức năng não và ngày nay việc khảo sát các rối loạn tâm thần hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học thần kinh.

Sự dẫn truyền qua khớp nối thần kinh (synapse)

Một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong khoa học thần kinh là công trình tiên phong của Otto Loewi và những khoa học gia khác nghiên cứu về cơ chế thông tin giữa các tế bào thần kinh thông qua phương tiện chủ yếu là sự truyền các tín hiệu hoá học. Ngày nay người ta đã biết rõ là các hiện tượng xảy ra ở trước và sau khớp nối thần kinh được điều hoà rất chặt chẻ và là nền tảng cho tính đàn hồi ( plasticity) và tính học hỏi (learning) bên trong hệ thần kinh trung ương (CNS). Sự truyền các tín hiệu hoá học đòi hỏi vài khâu bao gồm sự tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter), dự trữ chúng trong các túi chứa và phóng thích chúng một cách có kiểm soát vào trong khe khớp nối thần kinh giữa các tế bào thần kinh trước và sau khớp nối, ngoài ra còn phải kể đến sự kết thúc tác động của chất dẫn truyền thần kinh và sự cảm ứng đáp ứng tế bào cuối cùng thông qua các bước khác nhau thông qua dòng thác chuyển vận tín hiệu.

Hình 1 là sơ đồ tiêu biểu của một khớp nối thần kinh với các chất dẫn truyền thần kinh cổ điển. Bước đầu tiên của khâu tổng hợp là sự vận chuyển chủ động các amio acid từ máu vào não là nơi mà những tiền chất được chuyển thành các chất dẫn truyền thông qua các men, sau đó chúng được dự trữ trong những túi chứa trong tận cùng sợ trục tế bào thần kinh và cuối cùng được phóng thích vào khe khớp nối bởi một tiến trình phụ thuộc ion Ca2+. Tốc độ phóng thích các chất dẫn truyền thần kinhphụ thuộc vào tốc độ truyền tín hiệu của tế bào thần kinh có nghĩa là một điều kiện hay một loại thuốc nào đó làm thay đổi tốc độ dẫn truyền của tế bào thần kinh thì cũng sẽ làm thay đổi tốc độ phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh. Còn có một cơ chế điều hoà sự phóng thích quan trọng hơn bao gồm các tự thụ thể nằm trên các đuôi gai ở thân tế bào thần kinh vì nếu các phân tử chất dẫn truyền thân kinh được phóng thích mà gắn vào chúng thì sẽ gây ra sự giảm tổng hợp hay phóng thích từ tế bào thần kinh trước khớp nối. Tác động ở khớp nối thần kinh sẽ chấm dứt bằng sự gắn các chất dẫn truyền thần kinh với các protein vận chuyển đặc hiệu và được tái hấp thu vào trong tế bào thần kinh trước khớp nối, nơi đây chúng sẽ được chuyển hoá bởi các men thí dụ như men monoamine oxidase (MAO) hay được dự trữ một lần nữa bên trong các túi chứa29.

Các phân tử chất dẫn truyền thần kinh không băng qua màng sau khớp nối thần kinh nhưng lại gây cảm ứng một loạt các phản ứng thông qua sự gắn chúng vào các thụ thể bề mặt trong màng tế bào thần kinh sau khớp nối và chúng thường cặp đôi với protein gắn nucleotide guanine (protein G). Những protein G này đại diện cho thành phần điều hoà cơ bản đầu tiên trong việc chuyển các tín hiệu xuyên màng vì chúng điều hoà một số hệ thống thi hành bên trong tế bào như là adenylyl – cyclases, phospholipases và hệ thống thông qua phosphoinositol30. Những hiện tượng đầu tiên bên trong tế bào của dòng thác chuyển vận tín hiệu (nghĩa là tăng nồng độ ion calcium nội bào hay những chất thông tin thứ hai như là adenosine monophosphate vòng [ AMPc ]) sẽ gây ra sự phosphoryl hoá các protein kinases31 và sau đó chúng sẽ điều hoà nhiều phản ứng sinh học cũng như kiểm soát các chức năng não trong thời gian ngắn và dài qua việc điều hoà các kênh ion thần kinh, điều hoà các thụ thể, phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh và cuối cùng là điện thế hoá khớp nối thần kinh và sự tồn tại của tế bào thần kinh32,33. Rối loạn chức năng ở một hay nhiều khâu trong tiến trình vận chuyển tín hiệu hoá học này có thể là cơ chế quyết định gây ra trầm cảm. Mặt khác ngày nay người ta đã biết rõ rằng các cơ chế này là mục tiêu tác động của thuốc chống trầm cảm.

Giả thiết monoamine

Giả thiết quan trọng đầu tiên về trầm cảm được đề xuất cách nay 30 năm gợi ý rằng các triệu chứng chủ yếu của trầm cảm là do tình trạng giảm sút chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh monoaminergic ở não như norepinephrine (NE), 5 – HT và/hay dopamine (DA) trong khi hưng cảm được nghĩ là do sự gia tăng chức năng quá mức các monoamine tại các khớp nối thần kinh quan trọng trong não34,36. Bằng chứng về giả thiết này xuất phát từ những quan sát lâm sàng và thực nghiệm trên động vật cho thấy loại thuốc chống tăng huyết áp reserpine có thể làm mất đi sự dự trữ NE, 5 – HT và DA ở trước khớp nối thần kinh và gây ra một hội chứng giống như trầm cảm. Ngược lại với tác dụng của reserpine người ta lại thấy hành vi hưng cảm và tăng hoạt động xuất hiện ở vài bệnh nhân điều trị bằng iproniazid, là một loại thuốc tổng hợp dùng điều trị bệnh lao và gây tăng nồng độ NE và 5 – HT trong não qua việc ức chế men chuyển hoá MAO.

Nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh.

Giống như các dữ kiện về nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh những dữ kiện về khả năng giảm sút hoạt động các men tổng hợp và thoái hoá các monoamine cũng không mấy thuyết phục. Tyrosine hydroxylase và tryptophan hydroxylase là những men cơ bản cần cho sự tổng hợp NE và 5 – HT (theo thứ tự) và trong mô não người chết chúng được tìm thấy lúc tăng lúc giảm và điều này cho thấy tầm quan trọng thứ yếu của sự tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh. Tương tự người ta cũng không tìm thấy các bất thường rõ rệt về các hoạt động phân hủy của men MAO42.

Các chất vận chuyển tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh

Có thể khắc phục vấn đề nghiên cứu mô người chết bằng những kỹ thuật chụp ảnh chức năng là phương pháp khảo sát không xâm lần các protein vận chuyển 5 – HT trong não người. Qua việc sử dụng phương pháp chụp cắt lớp điện toán phát xạ photon đơn (SPECT) và chất phóng xạ đánh dấu 123I – b – CIT – ([123I] – 2b – carbomethoxy – 3b – (4 – iodophenyl) tropane) người ta đã xác nhận có sự giảm vận chuyển 5 – HT trong CNS giống như trong những thực nghiệm với tiểu cầu50,51. Hơn nữa còn có khả năng là rối loạn chức năng vận chuyển 5 – HT này có thể do di truyền vì tính đa hình thường thấy trong vùng kích hoạt ở gien chất chuyển vận 5 – HT có thể gây ra sự thay đổi trong hoạt động sao chép mã và do đó làm giảm tính biểu lộ của gien52. Và điều lý thú là tính đa hình gây ra sự ” giảm chức năng ” lại thường thấy ở bệnh nhân trầm cảm53.

Các thụ thể chất dẫn truyền thần kinh

Ngoài việc thiếu hụt monoamine các bất thường trong dẫn truyền cũng có thể phát sinh từ những thay đổi trong chức năng thụ thể, có thể là thay đổi trong sự gắn kết giữa chất dẫn truyền thần kinh và thụ thể hay thay đổi trong dòng thác biến đổi tín hiệu xuôi dòng

(downstream signal transduction cascade). Cho đến ngày nay người ta đã nhận dạng được rất nhiều thụ thể của cả hai hệ noradrenergic và serotonergic và chúng được phân loại tùy theo đặc tính phân tử hay dược lý. Sự chuyển vận NE được điều hoà thông qua các thụ thể a- hay b- adrenergic chia thành các tiểu nhóm khác nhau và có cùng đặc tính dược lý ở não và ngoại biên29. Việc phân loại các thụ thể của hệ thống serotonergic đã được xử lý nhanh chóng và hiện nay chúng ta đã biết vài phân nhóm của nó đi từ thụ thể 5 – HT1 đến 5 – HT7 và mỗi loại còn chia thành các tiểu nhóm nhỏ hơn56.

Do sự phát triển nhanh của sinh học phân tử nên trọng tâm nghiên cứu đã chuyển từ vấn đề đơn thuần là số lượng và ái tính của thụ thể sang vấn đề dòng thác biến đổi tín hiệu. Ngày càng có nhiều bằng chứng về vai trò của các cơ chế này trong việc điều hoà hoạt động tế bào thần kinh và sinh lý bệnh các rối loạn tâm thần58. Ap dụng phương thức tiếp cận mới này vài công trình nghiên cứu về các hệ thống mô hình tế bào ngoại biên và/hay mô não người chết đã ghi nhận có sự thay đổi protein G59 tại nhiều vị trí của con đường AMP vòng60 và đối với men protein kinase61. Những kết quả này đã dẫn đến sự hình thành giả thiết phân tử và tế bào đối với rối loạn trầm cảm. Giả thiết này cho rằng các con đường biến đổi tín hiệu đóng vai trò mấu chốt trong hệ thần kinh trung ương và rối loạn trầm cảm đã ảnh hưởng đến cân bằng chức năng giữa nhiều hệ thống chất dẫn truyền thần kinh và các tiến trình sinh lý khác nhau.

HOÁ LIỆU PHÁP TRONG ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM

Từ khi Kuhn giới thiệu imipramine vào những năm 1950 các loại thuốc chống trầm cảm đã phát triển rất nhanh không chỉ về số chủng loại mà đặc biệt còn về tính đa dạng trong tác động dược lý. Các thuốc chống trầm cảm thế hệ đầu tiên là thuốc chống trầm cảm ba vòng

(TCAs) và ức chế men MAO (MAOIs) làm tăng nồng độ 5 – HT và/hay NE và hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng trầm cảm. Mặc dù cả hai loại thuốc này đã mang lại nhiều thành công lớn trong nhiều năm nhưng chúng cũng có những tác dụng phụ gây hạn chế việc sử dụng. Thuốc TCAs còn tác động lên nhiều hệ thống chất dẫn truyền thần kinh khác trong hệ thần kinh trung ương và ngoại biên thí dụ như hệ thống histaminergic hay acetylcholinergic62 dẫn đến buốn ngủ, giảm huyết áp, nhìn mờ, khô miệng và các tác dụng phụ khác. Ngoài ra TCAs còn có thể gây đe doạ tính mạng và tử vong khi quá liều đặc biệt do tác động lên hệ thống tim mạch63. Còn các thuốc MAOIs không đảo hồi cũng có tác dụng phụ riêng của chúng thí dụ như tương tác với tyramine (còn gọi là ” hiệu quả phô mai “) có thể gây tăng huyết áp dẫn đến tử vong62. Vấn đề chính kèm theo các tác dụng phụ không gây chết người là làm giảm sự tuân thủ điều trị, bệnh nhân thường uống không đủ liều trong khi vẫn điều trị duy trì đủ thời gian nhưng như thế vẫn xếp loại là tình trạng ” điều trị chưa đúng mức “.

Sự phát triển các loại thuốc chống trầm cảm mới hơn nhằm mục đích cải thiện độ an toàn và tính dung nạp đối với TCAs và các chất ức chế tái hấp thu và sự chọn lọc một hệ thống monoamine duy nhất dường như là giải pháp của mục tiêu này. Kể từ khi giới thiệu fluoxetine như là một loại thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) đầu tiên thì sau đó đã xuất hiện nhiều loại thuốc có tác động tương tự và hiện nay SSRIs đã được ứng dụng trong điều trị vài loại rối loạn tâm thần như lo âu, hoảng loạn hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế là những loại rối loạn mà người ta nghĩ rằng có sự thay đổi dẫn truyền serotonergic62.

Vì những nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng cho thấy sự kích thích mãn tính hệ 5 – HT cũng có thể ảnh hưởng đến hệ NE và ngược lại64 nên hiện nay người ta chuyển mối quan tâm sang vai trò của những hệ chất dẫn truyền thần kinh khác serotonin. Sự phát minh các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới nhất bao gồm reboxetine (ức chế tái hấp thu chọn lọc NE), venlafaxine (ức chế tái hấp thu cả hai chất serotonin và NE) hay những thuốc tác động lên nhiều loại thụ thể như mirtazapine, nefazodone, buprobion và trazodone có thể có tác động tích cực lên hiệu quả điều trị kèm theo giảm tác dụng phụ do giảm ái tính đối với các hệ chất dẫn truyền thần kinh khác62. Đặc biệt là có một loại thuốc là tianeptine lại có cơ chế tác động hoàn toàn không điển hình do nó làm tăng hấp thu 5 – HT nhưng có lẽ chính là do thuốc này đối kháng ưu thế với tác động của stress ở hải mã65.

Với việc sử dụng những loại thuốc mới này thì tỷ lệ xuất hiện các tác dụng phụ giảm rõ rệt nhưng cũng có những loại trầm cảm nặng kháng điều trị không đáp ứng toàn vẹn với những loại thuốc này. Cánh nay vài năm người ta giới thiệu một biện pháp điều trị tăng cường là thêm một loại thuốc chống trầm cảm thứ hai vào phác đồ thuốc chống trầm cảm đang sử dụng nhằm cố gắng đạt cải thiện lâm sàng. Những chiến lược thông dụng khác là thêm vào phác đồ TCAs lithium, SSRIs hay pindolol. Mặc dù kết quả của các biện pháp phối hợp này là đáng khích lệ nhưng chúng ta cũng cần tiến hành nhiều hơn các nghiên cứu tiền cứu, có đối chứng tốt nhằm làm sáng tỏ những điểm lợi và hại của các biện pháp này66.

Tác động của thuốc chống trầm cảm lên các hệ thống thụ thể NE và 5 – HT đã được biềt từ lâu và sự giảm độ nhạy cảm của các thụ thể b- adrenergic hay 5 – HT2A ở vỏ não thường được xem là điều kiện tiên quyết cần thiết cho tác động chống trầm cảm67. Sự chậm trễ trong đáp ứng lâm sàng cho ta thấy hiệu quả chống trầm cảm không do tác động cấp của thuốc mà chủ yếu là do những thay đổi thích nghi dần dần trong đáp ứng của các tế bào thần kinh68. Các nghiên cứu gần đây với SSRIs và những thuốc ức chế tái hấp thu kép (seroronin và NE) đã chuyển mục tiêu nghiên cứu ra xa hơn mức độ thụ thể đến sự phosphoryl hoá các yếu tố sao chép thông qua các protein kinase vốn cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay đổi chương trình biểu hiện gien69.

NHỮNG TIẾN TRÌNH NỘI TIẾT TRONG TRẦM CẢM

Những bất thường về hormone như thay đổi nồng độ cortisol, hormon tăng trưởng (GH) và hormon tuyến giáp cho thấy có sự rối loạn nội tiết đặc biệt là rối loạn chức năng ở trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA) và/hay sự điều hoà chức năng tuyến giáp. Những kết quả thống nhất cho thấy có một tỷ lệ đáng kể những bệnh nhân trầm cảm tăng tiết cortisol trong giai đoạn trầm cảm nhưng trở lại bình thường sau khi hồi phục75 đã dẫn đến việc khảo sát và phân tích kỹ lưỡng hệ HPA. Những kết quả quan sát bao gồm hiện tượng tăng tiết hormone phóng thích corticotropin (CRH) ở hạ đồi và sự khiếm khuyết trong điều hoà ngược glucocorticoid, tăng nồng độ cortisol, giảm ức chế trục HPA khi cho glucocorticoid ngoại sinh76,78. Những phân tích tinh tế hơn gần đây đã dẫn đến sự hình thành giả thiết là sự giảm sút tín hiệu của thụ thể corticosteroid là cơ chế chủ yếu trong bệnh sinh trầm cảm79.

Việc khảo sát đáp ứng hormone đối với kích thích noradrenergic đã cung cấp những thông tin hữu ích về vai trò có thể của NE cũng như sự bài tiết hormone tuyến thượng thận và tuyến yên trong trầm cảm. Những thí nghiệm này bao gồm việc đo lường đáp ứng của những hormone như GH và cortisol đối với những tác nhân điều hoà trực tiếp hay gián tiếp hoạt động noradrenergic. Từ lâu chúng ta cũng đã biết rằng sự phóng thích GH được kích thích bởi cơ chế catecholaminergic. Trong gần 30 năm nay người ta đã tiến hành nhiều trắc nghiệm kích thích GH khác nhau nhắm chứng minh đáp ứng GH ở bệnh nhân trầm cảm có khác với nhóm chứng và những người bị bệnh tâm thần khác hay không. Những khác biệt đáng kể nhất giữa bệnh nhân trầm cảm chủ yều và người khoẻ mạnh hay bệnh nhân trầm cảm thứ yếu được bộc lộ qua việc sử dụng những chất đặc hiệu khác nhau nhằm tìm hiểu đáp ứng GH. Bệnh nhân trầm cảm chủ yếu tái diễn có đáp ứng GH cùn mòn và có thể được giải thích là do hoặc là giảm độ nhạy cảm thụ thể DA (gây kích thích với apomorphine) hay giảm độ nhạy cảm thụ thể a2 – adrenergic (gây kích thích với clonidine)80. Tuy nhiên khi gây kích thích với những tác nhân chọn lọc đối với những thụ thể a2 – adrenergic khác nhau thì lại gây đáp ứng GH bình thường do đó người ta nghĩ đến có một bất thường nội sinh bên trong hệ thống GH nhằm đối kháng lại sự giảm độ nhạy cảm các thụ thể a2 – adrenergic83.

Người ta đã thấy nhiều trường hợp thay đổi chức năng tuyến giáp ở bệnh nhân trầm cảm và sự cho triiodothyronine (T3) dường như là một điều trị phụ trợ có hiệu quả trên nhiều bệnh nhân trầm cảm84,85. Mối liên hệ giữa hormone tuyến giáp và các chất dẫn truyền thần kinh chủ yếu khu trú vào hệ noradrenergic và serotonergic và người ta thấy nếu cho hormone tuyến giáp thì sẽ làm tăng phóng thích serotonin ở vỏ não86 và có thể tác động như một chất đồng dẫn truyền (cotransmitter) với NE trong hệ thống thần kinh adrenergic87. Tuy nhiên cơ chế chính xác của sự tương tác này còn chưa rõ. Quan sát đặc biệt gây ấn tượng là chức năng 5 – HT đặc biệt giảm sút ở những bệnh nhân không có bất thường trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến giáp và điều này gợi ý rằng những cơ chế không phải serotonergic cũng có thể tham gia trong việc giảm bài tiết hormone kích thích tuyến giáp (TSH)84.

Một dấu vết nữa về ảnh hưởng của hormone đến từ sự kiện giai đoạn ngay sau sanh là thời gian có nguy cơ cao về vấn đề khởi phát hay tái phát trầm cảm88. Vài nghiên cứu đã nhấn mạnh ảnh hưởng của estrogen và progesterone89, hormone tuyến giáp90 hay những thay đổi trong trục HPA91 nhưng cơ chế trực tiếp cũng chưa được biết rõ ràng. Ngoài ra những triệu chứng trầm cảm tái diễn có thể chỉ khu trú trong giai đoạn tiền kinh nguyệt và những cơn trầm cảm kéo dài hơn thì thường nặng hơn một cách điển hình trước khi có kinh. Những dữ kiện này cho thấy những rối loạn có khả năng xảy ra về hormone giới tính có thể giải thích cho hiện tượng tỷ lệ trầm cảm tăng ở nữ giới.

Chữa Bệnh Tâm Lý Tránh Trầm Cảm Cho Người Bệnh Sau Tai Biến

Thái độ chăm sóc của con cái cũng khiến người già tai biến cảm thấy phụ thuộc, mặc cảm cho rằng bản thân là gánh nặng. Nhiều người suy nghĩ tiêu cực, ngày càng buồn bã, khép mình và khó chia sẻ hơn.

Nhiều bệnh nhân trở nên mặc cảm do phụ thuộc vào con cái, lo sợ tái phát, thậm chí cáu kỉnh với người chăm sóc.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong ở người cao tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 230.000 người tai biến mạch máu não. Bệnh để lại nhiều di chứng như giật, méo miệng; rối loạn thị giác; đại tiểu tiện mất kiểm soát; liệt vận động…

Ngoài di chứng thể chất, người bệnh sau tai biến còn đối diện với nhiều cú sốc lớn trong tâm lý. Chứng trầm cảm xuất phát từ những thay đổi sinh học do tổn thương mạch máu, tế bào não. Người bệnh u buồn khi sức khỏe bỗng chốc giảm sút nghiêm trọng, luôn lo sợ đột quỵ tái phát. Trong sinh hoạt, họ cảm thấy khó khăn và thiếu an toàn khi leo cầu thang, ra vào nhà vệ sinh…

Thái độ chăm sóc của con cái cũng khiến người già tai biến cảm thấy phụ thuộc, mặc cảm cho rằng bản thân là gánh nặng. Nhiều người suy nghĩ tiêu cực, ngày càng buồn bã, khép mình và khó chia sẻ hơn. Họ có thể thay nết đổi tính, từ hiền lành trở nên cáu kỉnh với người chăm sóc, từ chối uống thuốc, bỏ vật lý trị liệu … làm khả năng phục hồi suy giảm.

Thấu hiểu tâm lý người già sau tai biến sẽ giúp con cháu chăm sóc cha mẹ dễ dàng hơn, tái hòa nhập cuộc sống bình thường. Trước hết, gia đình cần kiên nhẫn làm chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân, động viên và hỗ trợ tập vật lý trị liệu để nhanh phục hồi. Sớm vận động trở lại sẽ giúp hóa giải tâm lý tiêu cực, phòng tránh chứng cao huyết áp, béo phì, táo bón, loét tì đè… của người già.

Gia đình cũng nên tạo điều kiện cho bệnh nhân tự chủ trong sinh hoạt nhằm giải tỏa tâm lý mặc cảm do phụ thuộc. Ngoài ăn uống, rửa mặt, thay quần áo…, nên thể hiện sự quan tâm tinh tế bằng cách khuyến khích người già tự chủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân.

Để tự chủ vệ sinh, con cái có thể hỗ trợ cha mẹ dùng các sản phẩm tã giấy phù hợp. Người bệnh đang trong giai đoạn tập đi được khuyến khích mặc tã quần. Tã thiết kế như quần lót, thun hông mềm ôm sát cơ thể, khắc phục được tình trạng mất kiểm soát đại tiểu tiện khi chưa kịp vào nhà vệ sinh. Người cao tuổi yên tâm bước đi chậm rãi, không vội vàng hay xấu hổ.

Theo quan niệm của người Nhật, tùy vào khả năng đi lại, bệnh nhân cần đến những loại tã quần khác nhau. Người có thể tự đi lại nên sử dụng tã quần loại mỏng nhẹ, cho cảm giác thoải mái mỗi bước đi. Người cần nạng trợ giúp, tốc độ di chuyển chậm hơn, cần loại tã quần có khả năng thấm hút cao hơn, chống tràn hiệu quả để an tâm tập luyện.

Cùng Chuyên Mục

Bình Luận Facebook

Bệnh Trầm Cảm Ở Trẻ

Mặc dù trẻ em ở mọi nhóm tuổi đều có thể gặp phải chứng trầm cảm lâm sàng, song thanh thiếu niên là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất. Trẻ trong độ tuổi này khi bị trầm cảm sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn, đây là hậu quả nghiêm trọng nhất mà tình trạng này gây ra.

Gọi cho bác sĩ nhi ngay khi con bạn ở tuổi thanh thiếu niên và:

Ám ảnh bởi ý nghĩ về cái chết và bày tỏ mong muốn được kết liễu đời mình

Có xu hướng giải quyết sự trầm cảm bằng cách cho đi những vật sở hữu có giá trị của bản thân

Cố gắng thu xếp xong tất cả các việc hoặc dự định mà bé muốn làm

Nói bóng gió rằng trẻ có các phương tiện để tự kết liễu đời mình và hỏi bạn xem trẻ có nên làm vậy không.

CẢNH BÁO!

Trầm cảm thường có xu hướng di truyền trong gia đình (ở Mĩ). Nguyên nhân có thể xuất phát từ các thành phần hóa học của não và từ các hành vi. Nếu bạn nhiều thấy nhiều dấu hiệu trầm cảm ở bất kì một thành viên nào trong gia đình, hãy cố gắng thuyết phục họ tìm đến sự giúp đỡ từ y học. Đa số người mắc bệnh này phản ứng khá tốt với các điều trị, song cũng có một số bệnh nhân bị tái phát sau đó.

Chung sống với bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm ở trẻ thường khởi phát do một sự kiện nào đó, như thất bại trong học tập, có ai đó trong gia đình qua đời, hoặc những thất bại trong chuyện tình cảm. Bên cạnh đó, chứng trầm cảm cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bị trầm cảm đều khó xác định rõ nguyên nhân. Bệnh thường là kết quả của sự mất cân bằng hóa học của não, một hiện tượng có thể di truyền trong gia đình.

Hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra bé nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu của chứng trầm cảm ở con mình như:

Bé giảm hẳn hứng thú với những hoạt động mà bình thường bé hay tham gia và không có hứng thú với cuộc sống hàng ngày.

Bé mệt mỏi, bồn chồn và khó tập trung.

Không hoặc thiếu giao tiếp xã hội.

Có sự thay đổi trong thói quen ăn uống của trẻ, dẫn đến việc tăng hoặc giảm cân.

Bé ngủ nhiều hoặc ít một cách bất thường.

Bé có trạng thái chống đối, cùng những cư xử liều lĩnh, bất cần.

Bé có những triệu chứng của bệnh thực thể không rõ ràng nhưng cũng gây khó chịu.

Bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc hoặc có những tư vấn giúp làm giảm trầm cảm lâm sàng. Ngoài ra, tập thể dục ở mức độ vừa phải thường cũng hữu ích cho trẻ vì chúng kích thích sản sinh ra endorphins – một chất điều hòa tâm trạng tự nhiên làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

MỐI BẬN TÂM CỦA BẠN

NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ CÓ

HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN

Con bạn có vẻ rất cô độc và thường xuyên xa lánh mọi người. Bé bận tâm quá mức tới vóc dáng của mình.

Kiểu cư xử bình thường ở tuổi thiếu niên.

Xấu hổ.

Tự ti về một vấn đề thể chất hoặc xã hội nào đó (ví dụ như bị bắt nạt).

Bị lạm dụng.

Trầm cảm.

Tạo cơ hội để bé được hòa nhập với xã hội nhiều hơn, song chỉ ở mức vừa đủ để không bị vượt quá khả năng của bé. Hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi để xác định xem cần phải làm gì để giải quyết các vấn đề của bé như bé bị ám ảnh về mụn, bị lạm dụng hay bị bắt nạt, đồng thời nhờ bác sĩ thực hiện một kiểm tra tầm soát kỹ lưỡng để xem bé có bị trầm cảm hay không, hoặc nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn một chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu thấy cần thiết. Bạn cần động viên, an ủi bé nhưng đừng tỏ thái độ kẻ cả, bề trên.

Có một sự thay đổi đáng kể trong cách cư xử của con bạn từ khi diễn ra một sự việc hệ trọng trong gia đình, như có ai đó mất đi hoặc bố mẹ li dị.

Trầm cảm do phản ứng. Lo âu.

Trầm cảm lâm sàng nặng.

Nói chuyện với trẻ về sự việc trong gia đình bạn. Hãy kiên nhẫn vì đây là khoảng thời gian tâm lí của bé đang có những biến đổi để thích nghi với những thay đổi không vui trong cuộc sống và báo cho thầy cô giáo biết vấn đề của bé để họ thông cảm với những cư xử bất thường ở bé.

Con bạn có một bệnh mãn tính.

Biến đổi để thích nghi với việc phải chiến đấu với bệnh tật.

Con bạn than phiền về những triệu chứng mơ hồ như đau đầu hay đau bụng và thỉnh thoảng bỏ học. Bé lái xe hoặc sử dụng những đồ vật nguy hiểm một cách bất cẩn. Bạn nghi ngờ trẻ đang sử dụng ma túy hoặc uống rượu. Trẻ thường buồn rầu và tỏ thái độ thoái lui, bỏ cuộc.

Trầm cảm.

Chống đối.

Lo lắng do các vấn đề ở trường hoặc ở ngoài xã hội.

Căng thẳng trong gia đình.

Rối loạn do lạm dụng ma túy hoặc chất kích thích.

Rối loạn lưỡng cực.

Xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi xem liệu có cần phải tiến hành một cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần cho trẻ hay không. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện kiểm tra tầm soát bệnh trầm cảm hoặc khả năng bé có sử dụng ma túy.

Con bạn không hứng thú với các hoạt động như thể thao hay các trò giải trí khác. Bé có vẻ thiếu sức sống, khó ngủ và thường xuyên cáu kỉnh.

Trầm cảm.

Trầm cảm do phản ứng với những vấn đề không vui trong gia đình, hoặc những vấn đề khác nằm ngoài khả năng giải quyết.

Yêu cầu bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng thể cho bé, bao gồm cả tầm soát trầm cảm. Bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp điều trị cho trẻ và có thể là cho cả gia đình bạn.

Con bạn mất hứng thú với các hoạt động ở trường và khả năng tập trung kém. Trẻ thường thể hiện suy nghĩ rằng mình vô dụng và bất tài.

Khó khăn trong học tập.

Rối loạn tăng động giảm chú ý. Trầm cảm và lạm dụng ma túy hoặc chất kích thích.

Nói chuyện với thầy cô giáo của trẻ để tìm ra những khó khăn mà trẻ đang gặp phải ở trường, đồng thời sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ nhi để được tư vấn về những vấn đề y học mà trẻ có thể đang gặp phải.Trẻ có thể sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra, đánh giá bởi một chuyên gia về giáo dục hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Bạn thấy có các vết cắt trên cánh tay, bụng và đùi con. Trẻ có vẻ căng thẳng và buồn bã.

Chứng tự làm đau bằng các vết cắt.

Sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ nhi để tìm hiểu nguyên nhân trẻ tự cắt và nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Con bạn đặc biệt quan tâm đến đồ dùng của người khác giới, cũng như mặc quần áo của người khác giới. Gần đây trẻ có thể hiện sở thích tình dục đối với người cùng giới tính.

Trầm cảm do những mâu thuẫn xung quanh việc xác định giới tính và khuynh hướng tình dục.

Rối loạn xác định giới tính (gender dysphorla).

Nói chuyện với trẻ để tạo cơ hội cho trẻ tâm sự với bạn về những cảm xúc của mình, và thu xếp để trẻ có một cuộc trò chuyện với bác sĩ về khuynh hướng tình dục, bao gồm các hành vi tình dục và thực hành tình dục an toàn. Ngoài ra, bạn hãy truy cập vào các trang web điện tử của các tổ chức hỗ trợ cha mẹ và thanh thiếu niên để được hỗ trợ thêm thông tin.

Việc ân uống của con bạn có những thay đổi đáng kể, trẻ bị tăng cân hoặc giảm cân, kèm theo ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn hẳn so với bình thường. Trẻ mất lòng tin vào khả năng của mình và không còn hứng thú với các hoạt động vui chơi giải trí.

Trầm cảm lâm sàng nặng.

Khẩn trương xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi và nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn một chuyên gia sức khỏe tâm thần, đồng thời chú ý xem trẻ có các dấu hiệu muốn tự tử không.

Con bạn cư xử thất thường, đột nhiên trở nên nói nhiều hoặc bị khó ngủ. Trẻ thường có nhiều ý tưởng và kế hoạch phi thực tế khi tham gia các hoạt động và thường làm mọi người phải bận tâm. Liền sau giai đoạn này, trẻ lại rơi vào trạng thái đối lập.

Rối loạn lưỡng cực trầm cảm vui buồn thất thường hoặc các bệnh tâm thần nghiêm trọng khác.

Lạm dụng ma túy hoặc chất kích thích.

Nói chuyện với bác sĩ nhi, họ sẽ kiểm tra, đánh giá trẻ và có thể giới thiệu cho bạn một nhà tư vấn sức khỏe tâm thần.