Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Do đó, việc nắm rõ triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị căn bệnh này sẽ giúp bạn không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị.
1. Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng (hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, ung thư ruột kết) là căn bệnh khởi nguồn từ ruột kết, trực tràng hoặc manh tràng, gây ra bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng tới bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ polyp được hình thành trong ruột già và trực tràng. Qua thời gian, các polyp này có thể tiến triển thành ung thư.
Theo Bệnh viện 103, vị trí của ung thư có thể ở bất kỳ chỗ nào của đại tràng. Ví trí thường gặp nhiều nhất là đại tràng xích ma và manh tràng, mỗi nơi khoảng 25% – 30%. Ung thư thường ở một chỗ, nhưng có khoảng 5% ở nhiều nơi.
Còn theo Bệnh viện 108, ung thư đại tràng phải thông thường là một khối u, ít khi làm hẹp hay gây tắc ruột nhưng bị nhiễm khuẩn nhiều hơn.
Nếu ung thư manh tràng thì khối u nằm ở hố chậu phải dễ nhầm lẫn với bệnh lao góc hồi – manh tràng.
Khối u ở đại tràng ngang khi tiến triển có thể dính với gan, mật, dạ dày, ruột non, đại tràng xích ma, phần phụ, tử cung và bàng quang.
Khối u ở đại tràng trái có tính chất chung là kích thước nhỏ, có xu hướng làm hẹp lòng đại tràng, có loại bị thâm nhiễm cứng.
3. Các giai đoạn của ung thư đại tràng
Bệnh được chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư mới chỉ xuất hiện ở trong thành niêm mạc đại tràng.
Giai đoạn 2: Tế bào ung thư lan qua vùng tổ chức thành đại tràng hoặc xâm lấn tới các vùng lân cận. Nhưng chưa ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết và những cơ quan xa hơn.
Giai đoạn 3: Tế bào ung thư tiến vào hệ bạch huyết, cũng có thể lan xa hơn đến thành đường ruột.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã xâm nhập hệ thống bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác của cơ thể như: gan, phổi, xương…
4. Ung thư đại tràng nguy hiểm không?
Theo Bệnh viện K, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong vì ung thư đại trực tràng, chiếm 8,5 % tổng số bệnh nhân chết vì ung thư; ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc (10%) theo số liệu của WHO.
Tại Việt Nam, số người mắc ung thư đại trực tràng mỗi năm khoảng 8.000 ca. Năm 2018, Việt Nam ghi nhận 14.733 trường hợp mắc mới và 7.856 ca tử vong vì căn bệnh này.
Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao do gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tắc ruột, thủng ruột, áp xe quanh khối u, di căn.
4.1. Tắc ruột
Theo các nhà khoa học, có khoảng 30% các trường hợp ung thư đại tràng phải phẫu thuật cấp cứu do biến chứng tắc ruột. Nguyên nhân tắc ruột là do khối u, thành đại tràng bị viêm, phù nề hoặc do lồng ruột.
4.2. Thủng ruột
Lỗ thủng có thể ở ngay khối u hoặc ngoài khối u. Tỷ lệ tử vong trường hợp này rất cao do nhiễm khuẩn nặng.
4.3. Áp-xe quanh khối u
Biến chứng này không phải hiếm gặp nhưng khó chuẩn đoán, dễ nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa, viêm túi mật cấp tính, áp-xe phần phụ…
4.4. Di căn
Di căn xuất hiện muộn ở niêm mạc thành bụng, ở gan hoặc ở buồng trứng, các hạch…
5. Nguyên nhân gây ung thư đại tràng
5.1.1. Viêm loét đại tràng kéo dài gây ung thư đại tràng
Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính khiến các vết loét ngày càng lan rộng và ăn sâu vào niêm mạc đại tràng, từ đó, tế bào ung thư bắt đầu phát triển.
Theo các chuyên gia y tế, để cải thiện bệnh viêm loét đại tràng, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
5.1.2. Polyp đại tràng
Polyp đại tràng thường lành tính, nguy cơ thoái hóa thành ác tính phụ thuộc vào kích thước và số lượng polyp. Khi đường kính của polyp trên 20mm và kéo dài từ 10 – 15 năm thì nguy cơ phát triển thành ung thư cao. Số lượng polyp càng nhiều, khả năng thoái hóa ác tính càng cao.
5.1.3. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột, có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Những người bị Crohn phát triển thành ung thư phụ thuộc vào mức độ viêm và thời gian mắc bệnh.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư cũng tăng lên khi gặp vấn đề trong quá trình điều trị hoặc một số đặc tính nhất định của bệnh.
5.2. Ung thư đại tràng do di truyền
Ung thư là bệnh có yếu tố di truyền với tỷ lệ khoảng 3 – 5%. Vì vậy, trường hợp gia đình có người từng mắc ung thư đại – trực tràng thì nguy cơ bị bệnh của những người thân trong gia đình tăng cao.
5.3. Chế độ ăn uống thiếu khoa học
5.3.1. Ăn nhiều thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt trâu, thịt dê… có mối quan hệ mật thiết với bệnh ung thư đại tràng. Nguyên nhân là do thịt đỏ khi được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra amin dị vòng HCAs và PAHs. Amin này phản ứng với protein, đường, creatine sẽ phát sinh ra các biểu mô bất thường, hình thành ung thư.
5.3.2. Thường xuyên ăn thực phẩm muối, lên men
Dưa muối, cà muối, kim chi… nếu không muối kỹ sẽ chứa nhiều muối nitrit, khi kết hợp với amin bậc 2 có trong một số thực phẩm sẽ biến đổi thành nitrozamin. Chất này có khả năng gây ung thư.
5.3.3. Tiêu thụ nhiều đồ ăn chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, thịt muối, thịt xông khói… có hàm lượng natri nitrit – thủ phạm gây ung thư.
5.3.4. Uống rượu, bia, hút thuốc lá
Thuốc lá chứa 7000 chất hóa học, trong đó có 69 chất hình thành tế bào ung thư. Không chỉ gây bệnh ung thư phổi và các bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá còn là yếu tố gây ung thư đại tràng, nhất là khi kết hợp với rượu. Uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
5.4. Béo phì – Tác nhân gây ung thư đại tràng
Phần lớn, những người béo phì có nồng độ cholesterol và insulin trong máu tăng cao. Điều này khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch cũng tăng, từ đó làm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch suy giảm. Mặt khác, insulin cao có thể ức chế tế bào miễn dịch, đồng thời, thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư trong cơ thể.
6. Triệu chứng ung thư đại tràng
6.1. Đau bụng
Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.
6.2. Chán ăn, khó tiêu, đầy hơi
Khó tiêu, đầy hơi, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh.
6.3. Táo bón
Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần trong một tuần, bạn đã mắc chứng táo bón. Đây là triệu chứng của những bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên cũng không nên bỏ qua cảnh báo cho bệnh ung thư đại trực tràng đang xâm lấn cơ thể bạn.
6.4. Đi ngoài phân nhỏ
Nếu khi đi đại tiện, bạn thấy ra nhiều phân nhỏ thì có thể đó là triệu chứng cảnh báo ung thư đại tràng. Triệu chứng này xuất hiện do một vài vật cản trong quá trình bài tiết khiến cho hình dạng chất thải trong cơ thể bị biến đổi. Những vật cản này có thể là khối u sưng hình thành ở phần cuối của ruột già.
6.5. Phân lẫn máu
Máu trong phân là triệu chứng phổ biến của bệnh. Tuy nhiên không ít người nhầm lẫn biểu hiện này với bệnh trĩ và để bệnh phát triển quá lâu khiến cho tình trạng này ngày càng nghiêm trọng
6.6. Mệt mỏi
6.7. Mất kiểm soát co thắt hậu môn
Khi khối u xuất hiện với kích thước lớn sẽ khiến cho hậu môn “căng thẳng” vì phải giữ sự co thắt thường xuyên. Lúc này, cơ vòng hậu môn bị quá tải và yếu đi dẫn đến mất sự kiểm soát.
6.8. Giảm cân bất thường
Không phải do tập luyện thể dục hay ăn kiêng mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn chớ nên coi thường. Rất có thể đây là dấu hiệu của ung thư.
7. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
– Người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đang có xu hướng “trẻ hóa” với nhiều trường hợp nằm trong khoảng 18 – 20 tuổi.
– Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đối với nữ là 13,7/100.000 dân và với nam là 17,1/100.000 dân.
– Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mạn tính như: viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn,…
– Bệnh nhân ghép thận.
– Gia đình có người mắc polyp đại tràng.
– Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít chất xơ, nhiều chất béo.
– Lười hoạt động, béo phì.
– Người thường xuyên hút thuốc lá.
8. Chẩn đoán ung thư đại tràng
8.1. Lâm sàng
Bệnh được chia làm 6 thể lâm sàng:
– Thể viêm ruột (40 – 50%)
– Thể rối loạn tiêu hóa (20 – 25%)
– Thể nhiễm độc và thiếu máu (10 – 15%)
– Thể viêm nhiễm các cơ quan trong ổ bụng như: Viêm ruột thừa, viêm tụy cấp…
– Thể u (2 – 3%)
8.2. X-quang
– Chụp cản quang khung đại tràng bằng thuốc baryt
– Chụp cản quang kép: bác sĩ sẽ thụt thuốc baryt vào đại tràng để người bệnh đi tiêu hết sau đó bơm hơi vào đại tràng, thực hiện phương pháp chụp cản quang để phát hiện khối u.
8.3. Nội soi tiêu hóa
Trong trường hợp chụp X-quang không rõ hoặc muốn phân biệt khối u lành tính hoặc ác tính trong đại tràng, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tiêu hóa.
Nội soi tiêu hóa kết hợp với sinh thiết là phương pháp mang lại giá trị cao trong việc chẩn đoán ung thư đại tràng.
Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp như: Chụp X-quang bụng, chụp CT scanner, chụp MRI, chụp PET…
9. Điều trị ung thư đại tràng
9.1. Phương pháp Tây y
Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dùng thuốc… là những cách chữa ung thư đại tràng phổ biến trong Tây y. Các phương pháp này được chỉ định tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
9.1.1. Phẫu thuật
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ tế bào ung thư trong quá trình nội soi đại tràng. Trong trường hợp bị ung thư khu trú thì có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ với biên độ thích hợp. Phương pháp này có thể thực hiện bằng hình thức mổ nội soi hoặc mở bụng.
Nếu phát hiện có một vài di căn trong gan, phổi có thể thực hiện phẫu thuật gỡ bỏ. Trong một số trường hợp, hóa trị liệu được sử dụng trước lúc phẫu thuật nhằm thu nhỏ vùng ung thư khi loại bỏ chúng.
9.1.2. Hóa trị
Hóa trị tức là dùng thuốc bằng đường tiêm truyền hoặc uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc này khi vào máu sẽ đi khắp cơ thể, có lợi cho trường hợp bệnh đã phát triển mạnh.
Nhược điểm của phương pháp này là hóa chất diệt tế bào ung thư, đồng thời làm tổn hại đến các tế bào bình thường, gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn như: tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, đau họng, dễ nhiễm trùng, cơ thể mệt mỏi…
9.1.3. Xạ trị
Xạ trị là dùng tia có năng lượng cao để tiêu diệt hoặc làm teo tế bào ung thư. Phương pháp này có thể thực hiện sau mổ nhằm tiêu diệt số tế bào ung thư còn sót lại mà mắt bình thường không nhìn thấy được trong lúc mổ. Nếu khối u quá lớn hoặc nằm ở vị trí khó mổ thì có thể xạ trị trước để khối u teo lại rồi phẫu thuật.
Thực hiện xạ trị chữa ung thư sẽ gây ra tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, da bị kích ứng… Ở nam giới có thể gặp phải tình trạng liệt dương. Thông thường, biến chứng này chỉ thoáng qua, sau khi dừng xạ trị sẽ khỏi.
Sự kết hợp giữa xạ trị và hóa trị sẽ giúp bệnh nhân bị ung thư đại tràng nhanh lành hơn.
9.2. Bài thuốc nam hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng
Bệnh ung thư đại tràng khó có thể chữa khỏi bằng thuốc nam, tuy nhiên, chúng có thể hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đáng kể.
9.2.1. Bài thuốc Bán chi liên
Theo Đông y, Bán chi liên có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng, giảm đau, chống khối u sinh tân. Vị thuốc này thường được sử dụng trong trường hợp: viêm ruột thừa, viêm gan, xơ gan cổ trướng, khối u tân sinh…
Cách dùng: Lấy 20g Bán chi liên, sắc với 300ml cho tới khi còn 150ml. Chia thuốc thành 2 phần, uống trong ngày.
9.2.2. Bài thuốc Bạch hoa xà thiệt thảo
Theo Đông y, Bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc. Vị thuốc này có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, nâng cao sức đề kháng cơ thể, tăng khả năng thực bào, ức chế sự phân chia tế bào ung thư.
Cách dùng: Sử dụng 200g Bạch hoa xà thiệt thảo tươi sắc với nước uống. Hoặc có thể kết hợp Bán chi liên và Bạch hoa xà thiệt thảo mỗi vị 40g sắc thuốc uống, điều trị ung thư dạ dày, đại tràng khá tốt.
Lời khuyên của TTƯT, chúng tôi Nguyễn Thị Hằng (Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) dành cho bạn là ngay khi có biểu hiện bất thường về đường tiêu hóa nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám sớm. Nếu phát hiện bệnh cần kiên trì tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm sau này.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng