Hội chứng Quá kích buồng trứng (HC QKBT) là tình trạng đáp ứng quá mức với điều trị kích thích buồng trứng. QKBT thường xảy ra khi dùng gonadotropin ngoại sinh, hiếm khi gặp trong trường hợp dùng clomiphene citrate (CC) hoặc gonadotropin-releasing hormon (GnRH). Đặc điểm sinh lý bệnh đặc trưng của hội chứng này là tình trạng tăng tính thấm thành mạch, dẫn tới thoát dịch từ lòng mạch ra khoang thứ ba. QKBT là rối loạn có thể tự giới hạn, thường tự khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn, đặc biệt trong chu kỳ có thai. Hội chứng này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể là triệu chứng nhẹ chỉ cần theo dõi sát tại nhà cho tới tình trạng nặng phải nhập viện và hồi sức.
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố quan trọng để phòng ngừa QKBT là kích thích buồng trứng thuần thục và nhận ra được các nguy cơ xảy ra QKBT. Kích thích buồng trứng cần được theo dõi cẩn thận, phù hợp với từng bệnh nhân. Các phương pháp dự phòng QKBT bao gồm: – Không cho hCG, hủy chu kỳ:phương pháp này giảm được khả năng QKBT nhưng buộc bệnh nhân mất một chu kỳ điều trị nên ít được dùng. – Coasting: Ngưng gonadotropin và trì hoãn cho hCG cho tới khi nồng độ estradiol không tăng nữa hoặc giảm đi. Hiện vẫn chưa có sự thống nhất về cách thực hiện coasting. Nhiều bằng chứng cho thấy việc coasting như vậy không ảnh hưởng xấu lên thành công của IVF với điều kiện không quá 3 ngày. Cần có những nghiên cứu ngẫu nhiên, tiền cứu lớn với thiết kế chặt chẽ để đánh giá hiệu quả của phương pháp này. – Khởi động phóng noãn bằng phương pháp khác: Vì hCG có vai trò then chốt trong việc phát sinh hội chứng QKBT, có thể dùng liều thấp hCG (ví dụ 5.000IU thay vì 10.000 IU) cho các bệnh nhân nguy cơ cao. Thay vào đó có thể dùng GnRH đồng vận (ví dụ leuprolide 0,5-1,0 mg tiêm dưới da) kích thích đỉnh LH nội sinh để hoàn tất sự trưởng thành nang noãn và gây phóng noãn. Phương pháp này chỉ hiệu quả đối với chu kỳ không có down-regulation trước đó. Theo nhiều nghiên cứu, dùng GnRH đồng vận để gây trưởng thành noãn, nồng độ estradiol và progesterone (P) thấp hơn nồng độ ở bệnh nhân tiêm hCG và không có trường hợp QKBT nào. LH tái tổ hợp cũng có tác dụng tương tự, rLH liều duy nhất có thể giảm nguy cơ QKBT rất nhiều so với hCG. – Khi hỗ trợ giai đoạn hoàng thể để giảm nguy cơ QKBT dùng progesterone ngoại sinh(ví dụ 50mg P tiêm bắp, 100 mg đặt âm đạo hay 8% P gel âm đạo) thay vì dùng hCG. – Truyền tĩnh mạch albumin: albumin 25% đường tĩnh mạch dự phòng vào lúc chọc hút trứng được cân nhắc khi nồng độ E2 tăng cao hoặc có tiền căn QKBT. Nghiên cứu về hiệu quả của albumin còn chưa thống nhất, và điều trị albumin có thể làm tăng thêm báng bụng, gây phản ứng dị ứng và lây truyền virus. Tuy nhiên, một nghiên cứu meta-analysis gần đây về 5 thử nghiệm ngẫu nhiêu có đối chứng cho thấy albumin dự phòng làm giảm đáng kể nguy cơ QKBT (OR 0,28, 95% CI 0,11, 0,73); truyền albumin có thể ngăn ngừa 1 ca QKBT nặng trong mỗi 18 trường hợp nguy cơ cao được điều trị. – Mặc dù nhiều bằng chứng cho thấy chọc hút nang (follicle aspiration) làm giảm sản xuất P của hoàng thể, nhưng điều đó không giúp dự phòng và ngăn chặn sự phát triển của QKBT. – Trữ phôi toàn bộ: chưa có đủ bằng chứng cho thấy có cần trữ phôi toàn bộ một cách thường quy để phòng ngừa QKBT hay không. – Đồng vận dopamine: VEGF đã được xác định là yếu tố thiết yếu trong việc phát sinh hội chứng QKBT. Nhiều nghiên cứu trên động vật và người đã cho thấy nồng độ VEGF buồng trứng, VEGF mRNA và tính thấm thành mạch đã tăng lên bởi kích thích của gonadotrophins, trước cả khi cho hCG. Việc tiêm hCG càng đẩy mức độ này lên mức đỉnh điểm. VEGF được phóng thích sẽ gắn vào thụ thể VEGFR-2 ở màng tế bào nội mô, và vùng thụ thể nội bào được phosphoryl hóa. Quá trình này làm tăng thêm tính thấm thành mạch. Đồng vận dopamine (cabergoline) đã được sử dụng để ức chế sự phosphoryl hóa thụ thể VEGF, nhờ đó giảm đáng kể các triệu chứng QKBT nặng. Việc sử dụng này không gây các biến chứng sản khoa và sơ sinh. Tuy nhiên cũng cần nhiều thử nghiệm lớn hơn để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của việc phòng ngừa bằng đồng vận dopamine.
Tóm tắt * Điều quan trọng trong phòng ngừa và điều trị QKBT là kinh nghiệm trong kích thích buồng trứng, nắm rõ kiến thức về sinh lý bệnh, nguy cơ, đặc điểm lâm sàng của hội chứng này * QKBT nhẹ khá thường gặp, xảy ra ở khoảng một phần ba chu kỳ dùng gonadotropin ngoại sinh. Khi các triệu chứng trở nặng, có thể điều trị ngoại viện nhưng phải thường xuyên theo dõi. QKBT nặng ít gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Các trường hợp này cần nhập viện. * Hiện đã có nhiều phương pháp để dự phòng hội chứng này, nhưng còn cần nhiều nghiên cứu để đánh giá và so sánh hiệu quả của các phương pháp trên.
Tài liệu tham khảo 1. The Practice Committee of the American Society for Reproductive Medicine. Ovarian hyperstimulation syndrome. Fertil Steril 2008;90(3):188-192. 2. Sérgio Reis Soares, Rául Gómez, et al. Targeting the vascular endothelial growth factor system to prevent ovarian hyperstimulation syndrome. Human Reproduction Update 2008; 14:321-333. 3. M.A.Aboulghar, R.T.Mansour. Ovarian hyperstimulation syndrome: classifications and critical analysis of preventive measures. Human Reproduction Update 2003; 9:275-289.