(Xây dựng) – Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao; bệnh thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới xác định có hai loại ổ dịch hạch: ổ dịch “thiên nhiên” tồn tại trong thiên nhiên, độc lập với các hoạt động của người; ổ dịch hạch trong và xung quanh khu dân cư hay ổ dịch “gần người” có vật chủ chính là các loài chuột sống gần người. Những loài chuột sống trong và xung quanh khu dân cư thường gây nên những vụ dịch với quy mô lớn hơn nhiều so với ổ dịch hoang dại bởi sự phân bố rộng rãi và tính phổ biến của chúng.
Cơ chế lây truyền bệnh dịch hạch: Dịch hạch là bệnh của động vật, chủ yếu là các loài gặm nhấm hoang dại và chuột, người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, thứ yếu. Có nhiều yếu tố trong cơ chế lan truyền bệnh dịch hạch, trong đó bọ chét đóng vai trò quan trọng. Trong tự nhiên, bệnh dịch hạch lan truyền theo các con đường sau:
– Lây truyền qua trung gian bọ chét là phương thức lây truyền bệnh phổ biến nhất, bệnh dịch hạch ở người thường xuất hiện sau dịch hạch ở vật chủ vài ngày đến một, vài tuần. Bọ chét hút máu vật chủ mắc bệnh chứa vi khuẩn dịch hạch sau đó hút máu vật chủ mới và truyền bệnh qua vết đốt.
– Lây truyền trực tiếp từ vật chủ bệnh sang vật chủ lành: Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da có hoặc có thể không có tổn thương hoặc hít trực tiếp vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí khi có tiếp xúc trực tiếp với vật chủ bị bệnh hoặc chết vì dịch hạch, nhất là dịch hạch thể phổi. Đây là một phương thức lây truyền cực kỳ nguy hiểm vì xảy ra rất nhanh cho người tiếp xúc.
Lâm sàng bệnh dịch hạch: Người mắc có những triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao 390C-400C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Có nhiều thể lâm sàng nhưng phổ biến nhất là dịch hạch thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh). Thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết và thể màng não rất ít gặp, thường là thể thứ phát sau thể hạch.
– Dịch hạch thể hạch: Thời gian ủ bệnh trung bình là 6 ngày và không có triệu chứng gì, sau đó bệnh thường khởi phát đột ngột với hai nhóm dấu hiệu đặc trưng của bệnh dịch hạch là nhiễm khuẩn – nhiễm độc và viêm hạch với triệu chứng sốt cao đột ngột lên đến 39-400C. Viêm hạch thường xuất hiện đồng thời hoặc sau sốt vài giờ đến 24 giờ với triệu chứng sưng tấy, nóng, đỏ và rất đau, trong đó đau hạch là đặc điểm nổi bật lên hàng đầu. Vị trí viêm hạch phổ biến nhất là vùng đùi bẹn, tiếp đến là hạch nách, hạch cổ, hạch dưới hàm. Kích thước của hạch viêm trung bình là 3cm, đôi khi lên tới 10cm. Thể hạch thường xảy ra ở trẻ dưới 14 tuổi.
– Dịch hạch thể phổi: đây là thể nguy hiểm nhất vì tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao và thường xảy ra ở người trên 15 tuổi. Thể phổi thường khởi phát nhanh, đột ngột chỉ trong một vài ngày, thậm chí chỉ trong vòng vài giờ sau khi nhiễm mầm bệnh với các triệu chứng sốt cao, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp thấp, bệnh nhân bứt rứt. Trong vòng 24 giờ sau, các dấu hiện của tổn thương hô hấp xuất hiện nhanh chóng, có rối loạn chức năng hô hấp như đau tức ngực, thở nhanh nông, khó thở, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Thể phổi thứ phát rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành dẫn đến dịch hạch thể phổi tiên phát và bùng nổ thành dịch lớn.
Tình hình dịch hạch trên thế giới
Trên thế giới, dịch hạch luôn luôn là một mối hiểm họa tiềm tàng bùng phát thành dịch lớn bởi vì mầm bệnh vẫn tồn tại rất rộng rãi trên các quần thể gặm nhấm hoang dã và có sự giao lưu rất thường xuyên giữa các loài gặm nhấm hoang dã này với quần thể chuột nhà.
Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số Châu Âu. Bệnh dịch hạch được mệnh danh là “Cái chết đen” bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì.
Từ 1954 – 2001, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có 38 quốc gia trên thế giới xảy ra bệnh dịch hạch gồm 89.651 trường hợp mắc và 7.715 bệnh nhân tử vong. Nhiều nhất là 6.014 bệnh nhân xảy ra năm 1967 và thấp nhất là 200 trường hợp vào năm 1981. Trong thời gian này, có 7 quốc gia trên thế giới bệnh xảy ra hàng năm là Brazil, Cộng hoà dân chủ Công Gô, Madagascar, Myanmar, Pê Ru, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Gần nửa thế kỷ qua có sự chuyển đổi về phân bố địa lý của bệnh dịch hạch trên thế giới. Trong thập niên 1950, phần lớn các trường hợp dịch hạch là ở châu Á và một số vùng ở châu Mỹ. Vào đầu thập niên 1960, gia tăng số mắc dịch hạch ở châu Mỹ và bắt đầu tăng ở châu Phi. Nửa cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, dịch hạch bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam và một số nước châu Á và bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn ở châu Phi từ những năm 1990 đến năm 2002. Cho tới nay, dịch hạch tại hầu hết các vùng đô thị trên thế giới đã được khống chế, tuy nhiên, dịch vẫn xuất hiện tại một số nước thuộc châu phi, Trung và Đông Nam châu Á.
Từ 2005 đến tháng 7/2010, bệnh Dịch hạch vẫn còn xuất hiện nhiều nơi trên thế giới như Công Gô, Trung Quốc, Pêru,…với những diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng và gây nhiều hậu quả đến an ninh, kinh tế, văn hóa, chính trị.
Tính đến ngày 30/7/2010, Bộ Y tế ở Peru xác nhận tổng số 17 trường hợp bệnh dịch hạch ở tỉnh ASCOPE Sở La Libertad. Trong số này, 04 trường hợp là dịch hạch thể phổi, 12 trường hợp là dịch thể hạch và 01 trường hợp dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Trong các cuộc điều tra, có 10 chủng Yersinia pestis được phân lập từ người, động vật gặm nhấm và mèo nhà.
Trong năm 2007 ghi nhận 2.021 ca mắc dịch hạch trên người được ghi nhận tại 7 quốc gia với 156 ca chết, trong đó 99,6% số ca ở châu Phi. Năm 2009, bộ Y tế Trung Quốc ghi nhận một nhóm bệnh nhân nghi mắc dịch hạch thể phổi tại thành phố Ziketan, tỉnh Thanh Hải. Sau vụ dịch, tổng cộng có 11 ca mắc và 3 người chết dịch hạch thể phổi (do chuột gây nên) đã được ghi nhận.
Sau một thời gian dài lắng dịu và xảy ra rải rác ở một vài quốc gia, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/8/2014 là bệnh nhân nữ, tử vong ngày 3/9/2014. Đến ngày 16/11/2014, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc trong đó có 40 trường hợp tử vong. Chỉ 2% các ca bệnh là thể phổi. Các ca bệnh được ghi nhận tại 16 quận thuộc 7 khu vực. Antananarivo, thủ đô và thành phố lớn nhất ở Madagascar cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc, bao gồm 1 tử vong. Hiện tại, có nguy cơ lây lan nhanh của bệnh ở Madagascar bởi mật độ dân số cao và hệ thống y tế yếu kém. Tình trạng trở nên phức tạp hơn bởi có sự kháng Deltamethrin ở mức độ cao của bọ chét đã xuất hiện ở nước này.
Ngoài ra, tại Trung Quốc ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngày 17/7/2014 Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận 01 trường hợp bệnh tử vong có kết quả dương tính với dịch hạch. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với một động vật thuộc loài gặm nhấm trước đó.
Tình hình dịch hạch ở Việt Nam
Dịch hạch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu, thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào trong bối cảnh vụ đại dịch hạch thế giới lần thứ 3. Có thể chia tiến trình bệnh dịch hạch ở Việt Nam làm 5 thời kỳ dịch tễ học
a) Thời kỳ xâm nhập và lây lan nội địa 1898-1922
Dịch ở Nha Trang 1898, Sài Gòn 1906, Hà Nội 1908, Lạng Sơn 1909, Hải Phòng 1917, đánh dấu sự xâm nhập của bệnh dịch hạch vào Việt Nam. Dịch xâm nhập chủ yếu theo hàng hóa của người Trung Hoa. Sau khi xâm nhập dịch lây lan đến những nơi khác như Bắc Ninh, Hòn Gai, Phan Thiết, Phan Rang, Sóc Trăng…. Dịch tại những nơi xâm nhập đều có tính chất tạm thời trừ Sài Gòn và Phan Thiết có chiều hướng trở thành vùng dịch lưu hành dai dẳng. Vào năm 1911 có vụ dịch lớn tại Châu Đốc, Long Xuyên, Thủ Dầu Một với nhiều bệnh nhân dịch hạch thể phổi và 886 người tử vong.
Biểu đồ 1: Số mắc/chết dịch hạch ở Việt Nam từ năm 1976-2002
b) Thời kỳ lắng dịu và trở thành dịch lưu hành địa phương 1923-1960
Để phòng chống bệnh dịch hạch, người Pháp cho kiểm dịch tàu thuyền, đốt các nhà có dịch. Sau đó, dịch giảm dần chỉ còn lưu hành ở Sài Gòn và Phan Thiết. Từ 2 nơi này có lúc dịch lan rộng. Đà Lạt: 1947, 1948, 1950. Bình Long: 1955, 1956. Tây Ninh: 1955, 1956.
c) Thời kỳ bùng phát, lan tràn, lưu hành trên diện rộng 1961-1990
Có thể chia làm 2 thời kỳ nhỏ:
Từ 1961 đến 1975: Dịch bùng phát lan tràn ở miền Nam. Sau đó tiếp tục lưu hành trên diện rộng ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Chính quyền miền Nam được Mỹ giúp đỡ thực hiện chương trình quốc gia phòng chống dịch hạch khống chế được dịch một bước, nhưng nhìn chung dịch vẫn nặng nề với quy mô lớn. Trong giai đoạn này, dịch lớn xảy ra ở Việt Nam chiếm hầu hết số mắc trên thế giới.
Biểu đồ 2: Số bệnh nhân dịch hạch ở Việt Nam so với thế giới, 1954-2001
Từ 1975 đến 1990: Sau 1975 dịch bùng phát, số mắc – chết tăng vọt tại các vùng dịch lưu hành như ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt trong thời gian này, dịch hạch đã xuất hiện và gây ra một số vụ dịch nhỏ tại 9 tỉnh/thành phố phía Bắc do có sự giao lưu về lương thực hàng hóa và các phương tiện giao thông, đặc biệt chuột và tác nhân gây bệnh Yersinia pestis theo gạo và lương thực từ miền Nam xâm nhập vào miền Bắc qua cảng biển Hải Phòng.
Hà Nội: 1977, 1978, 1986, 1987.
Hải Phòng: 1978, 1986.
Bắc Thái: 1978.
Hải Hưng: 1978, 1986.
Hà Nam Ninh: 1986.
Thanh Hóa: 1980.
Nghệ Tĩnh: 1977, 1978.
Biểu đồ 3. Số mắc dịch hạch ở Việt Nam giai đoạn 1976 – 2008
d) Thời kỳ thu hẹp chỉ còn lưu hành tại một số ổ dai dẳng 1991-2002
Số mắc-chết có chiều hướng giảm và phạm vi dịch thu hẹp dần, tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong 4 năm (1999-2002), dịch chỉ còn ghi nhận tại một số địa phương 2 tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai với diện dịch tập trung dai dẳng vào một số xã thuộc 2 huyện: Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai và EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Bảng 1: Tình hình dịch hạch tại Việt Nam phân theo tỉnh giai đoạn 1991-2002
e. Thời kỳ được khống chế 2003 – hiện nay
Từ tháng 3/2003 đến nay không ghi nhận bệnh dịch hạch trên người, ca mắc gần nhất ghi nhận vào tháng 08 năm 2002 tại tỉnh Đắk Lắk. Giám sát dịch động vật tại các trọng điểm, từ tháng 4/2004 không còn phân lập được Yersinia pestis từ vật chủ và trung gian truyền bệnh, từ năm 2005 xét nghiệm huyết thanh động vật tìm kháng thể kháng Yersinia pestis (kháng thể kháng F1) đều cho kết quả âm tính.
Biểu đồ 4: Số mắc bệnh dịch hạch ở Việt Nam giai đoạn 1986 – 2012
Biểu đồ 5: Số chết bệnh dịch hạch ở Việt Nam giai đoạn 1986 – 2012
Sau hơn 1 thế kỷ bệnh dịch hạch xuất hiện và lưu hành ở Việt Nam, có thời kỳ bùng phát xen kẽ với những thời kỳ lắng dịu, đến nay mặc dù sau 12 năm không phát hiện một ca bệnh nào trên người cũng như chưa phát hiện mầm bệnh trên chuột và bọ chét. Tuy nhiên do cỡ mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa cho phép kết luận dịch hạch trên các quần thể động vật là hoàn toàn chấm dứt.
Khánh Phương
Theo
Link gốc: